Cuộc sống một mình giữa bốn bức tường trong phim Inside

Dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, và hơn ai hết có lẽ chính Việt Nam cũng đã hiểu cảm giác trải qua như thế nào trong đoạn thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị của chính phủ. Vào những ngày đầu tiên, có lẽ chúng ta vô cùng vui vẻ, vì đã lâu rồi chưa tận hưởng được cuộc sống thảnh thơi như thế. Nhưng rồi lâu dần, những ngày chỉ loanh quanh ở nhà làm bạn chán đến phát hoảng. Và để thể hiện được khía cạnh cuộc sống của một người khi phải ở một chỗ quá lâu, bộ phim Inside đã ra đời, bộc lộ chân thật nhất cảm xúc và những hành động ngáo ngơ khi bạn phải ở nhà trong mùa giãn cách.

Điều đặc biệt của Inside còn nằm trong phần thông diệp của nó. Không chỉ thấu hiểu trạng thái tâm lý của nhiều người trong mùa dịch hiện tại, bộ phim còn phản ánh nhiều tình trạng xã hội của con người ngày nay một cách khéo léo và ấn tượng. Cùng chúng tôi khám phá nhiều hơn về bộ phim Inside qua bài viết dưới đây nhé.

Inside ra đời một cách cực kì “tâm lý”

Phim hài của Bo Burnham là tập hợp cảm xúc hỗn loạn và đầy châm biếm phản ánh cuộc sống trong bốn bức tường.

  • Thể loại: Hài kịch đặc biệt
  • Đạo diễn, biên kịch, diễn viên: Bo Burnham
  • Đánh giá: 8.5/10

Buồn chán. Thất vọng. Mất phương hướng. Đó có thể là cảm giác chung của nhiều người trong những ngày tháng nhốt mình trong nhà. Với Bo Burnham, đó là khoảng thời gian đầy khó khăn để tạo nên một tập phim hài đặc biệt mang tên Inside (tạm dịch: Trong nhà).

Hát hò trong nhà
Inside là một tập phim hài đặc biệt

Khắc họa nhịp sống hỗn loạn, tác phẩm đề cập tới hàng loạt vấn đề từ sự trỗi dậy của Internet, chủ nghĩa tư bản, thói sống ảo… càng làm nổi bật một giai đoạn đặc biệt mang tên giãn cách xã hội. Trong giai đoạn khó khăn của ngành phim ảnh, Inside như một điểm sáng. Phim được chấm 93% trên Rotten Tomatoes và điểm 8,7 trên IMDB. Với Bo Burnham, đây là phim để đời của anh.

Làm mọi thứ một mình

Bo Burnham – một nghệ sĩ hài nhận được đơn đặt hàng làm một tập phim hài đặc biệt từ Netflix. Nhưng làm phim kiểu gì trong thời kỳ giãn cách, ai ở đâu ở nguyên đó, nhịp sống đảo lộn thậm chí duy trì nếp sống thường ngày còn khó khăn. Bo Burnham quyết định quay luôn trong nhà, tự mình viết kịch bản, đạo diễn, đóng chính, hát, hóa trang, biên tập… tất tần tật mọi khâu của một tác phẩm hoàn chỉnh. Inside ra đời trong một thời kỳ đặc biệt, bản thân bộ phim cũng đặc biệt từ nội dung cho đến thể loại.

Anh cuộn tròn trong chăn, không còn biết thời gian là gì. Nhân vật chính khổ sở tìm cách gọi video cho mẹ chỉ để trao đổi những câu xã giao. Những công việc hàng ngày trở nên lặp đi lặp lại. Tổ chức sinh nhật một mình. Hàng loạt câu hỏi nảy sinh, từ những điều nhỏ nhặt như cái áo cho đến nghi ngờ về sự nghiệp: “Liệu tôi có nên đùa cợt mọi lúc như thế này hay không?”.

Những góc cạnh mà Inside mang lại

Đạo diễn của Back to the Future, Robert Zemeckis từng nói: “Khi bị cô lập, chúng ta không hành xử đúng như con người”. Một không gian biệt lập là mảnh đất hoàn hảo nảy nở những suy nghĩ tiêu cực, tự đánh giá, tự diễn giải. Những khung hình không khoan nhượng, chiếu thẳng vào mặt diễn viên để thấy anh thở dài, khóc lóc, la hét, hát, cười. Có đôi khi, anh ta ngồi lặng thinh suy nghĩ trong bóng tối. Đoạn phim Bo Burnham chơi game hay cảnh anh đứng trước một tấm gương mờ là ẩn dụ cho triệu chứng rối loạn giải thể nhân cách (depersonal-derealization disorders).

Nhiều cung bậc cảm xúc trong Inside
Trong Inside, bạn phải làm mọi thứ trong phạm vi bốn bức tường chật hẹp

Inside khắc họa tâm trạng tuột dốc của con người trong cảnh cô lập. Xen kẽ giữa những màn tấu hài và thông điệp về hy vọng, bao trùm vẫn là cảm giác chung về sự chán nản, cô đơn. Để rồi, phim đóng lại là cảnh Bo cuối cùng cũng được bước chân ra khỏi nhà. Nhưng anh lại không thể mở cửa để quay trở lại. Hóa ra, “ở trong nhà” đã trở thành một bình thường mới mà tất cả chúng ta dù thích hay không cũng sẽ phải chấp nhận nó.

Mạng Internet và những vấn đề xung quanh nó

Cái kết của Inside cho thấy đỉnh cao và cũng là bất hạnh của sự tự nhận thức. Bo Burnham, một mặt chê cười những cô gái da trắng sống ảo trên Instagram; mặt khác biết rằng mình cũng đang là một phần trong bộ máy truyền thông tư bản khổng lồ. Là một trong những ngôi sao YouTube thời kỳ đầu, Bo Burnham không còn xa lạ gì với mạng xã hội. Năm 2006, anh chàng sinh năm 1990 bắt đầu tải lên các video hài kịch tự biên tự diễn lên YouTube.

Ở tuổi 18, hiện tượng mạng này trở thành người trẻ nhất trong lịch sử của kênh Comedy Central lên sóng. Inside lật lại lăng kính trở lại sự nghiệp của Bo Burnham – người đã lăn lộn khắp cõi Internet từ thuở nó còn là một khái niệm gì đó xa lạ lắm. Trước đây, những tài năng YouTube có được sự quan tâm của công chúng một phần là nhờ vào sự gần gũi; chân thực so với các ngôi sao truyền hình điện ảnh bóng bẩy. Thế nhưng cùng với sự phát triển của mạng xã hội; những “người truyền cảm hứng” Internet một thời giờ thấy mình bị cuốn vào trong vòng xoáy của sự giả trân, nông cạn, hời hợt.

Dựng lên một bức màn màu hồng không thực

Đâu đó trong ngóc ngách tin nhắn riêng tư; ai đó đang tán tỉnh bằng những dòng tin dơ dáy. Internet là nơi bạn có thể giải trí mọi lúc mọi nơi; trút mọi cảm xúc, tìm kiếm mọi thứ. Và dễ dàng là nơi đánh mất con người mình:

Bo Burnham
Vai diễn này là vai diễn để đời của Bo Burnham

“Chào mừng đến với Internet

Bạn thích gì nào?

Đấu tranh cho quyền công dân hay tweet một dòng kỳ thị vùng miền?

Hãy hạnh phúc

Hãy rạo rực

Hãy tức điên lên

Chúng tôi có hàng triệu cách khác nhau để mọi người tương tác

Tôi có thể giải trí cho bạn chứ?

Mọi lúc mọi nơi?

Mỗi thứ một chút

Mọi lúc mọi nơi

Sự thờ ơ là bi kịch

Nỗi buồn chán là tội ác

Bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ

Mọi lúc mọi nơi”

Lột trần sự phù phiếm

Bằng tài năng dựng bối cảnh, ca hát, quay phim; Bo Burnham lột trần cái sự phù phiếm của cõi Internet với những đoạn phim chế giễu quay còn đẹp hơn cả video quảng cáo. Trong con mắt cười cợt của Bo, Bezos của Amazon là bạo chúa; một con rối hát về lịch sử của thế giới được xây lên bởi bóc lột và thảm sát; con ong lấy mật bông hoa yêu đời là một nửa sự thật.

Tự nhận thức được thế giới xung quanh mình không giúp Bo Burnham bớt đau khổ. Nhưng ít nhất khán giả chúng ta; sau khi cười sảng khoái với Inside có lẽ sẽ nhận ra có điều gì đó không đúng. Trong một thế giới con người bị buộc phải thu mình về cái vỏ ốc để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; Inside khiến chúng ta có một cảm giác sâu sắc về sự sai trái của thế giới để cuối cùng phải soi chiếu lại bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *